Việc áp sàn giá vé máy bay để bảo hộ Vietnam Airlines, cũng khiến kéo lùi ngành hàng không; còn áp giá trần kìm hãm sự xuất hiện của những đường bay mới.
Can thiệp giá vé máy bay là cách mà chính quyền nhiều nước trên thế giới áp dụng nhằm mục đích phát triển ngành công nghiệp giao thông vận tải. Chính quyền thường quy định một khung giá vé máy bay giữa hai giới hạn trần và sàn để cho phép các hãng máy bay cạnh tranh nhau với các mức giá và dịch vụ khác nhau nhưng nằm trong giới hạn của khung giá này.
Những người ủng hộ việc áp giá trần và giá sàn vé máy bay nội địa ở Việt Nam thường dẫn chứng một số nước có quy định này, tuy nhiên, lại không nêu rõ thời gian vì thực ra, các nước chỉ áp dụng trong một thời gian thôi và ngừng sau đó.
Kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu về sự can thiệp của chính quyền bằng khung giá kiểu này ở các nước trên thế giới kể cả Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia… từ thập kỷ 1970, 1980, 1990 và gần đây trong những năm đại dịch Covid-19 đều cho thấy kết quả tiêu cực, ngược lại với mong muốn tốt đẹp của chính quyền.
Sự can thiệp của cơ quan quản lý là cần thiết khi chưa có thị trường cạnh tranh trong ngành vận tải hàng không, khi thị trường thất bại và chính sách thành công. Ở Nhật Bản hồi thập niên 1970-1980, ở Trung Quốc hồi thập niên 1990-2000, ở Việt Nam trong 2 thập kỷ qua… khi chưa có nhiều hãng máy bay và chưa có thị trường cạnh tranh lành mạnh thì sự can thiệp là cần thiết.
Nhưng sau đó cần giảm mức can thiệp của chính quyền và tự do hóa dần thị trường để rồi chấm dứt sự can thiệp của chính quyền và để cho cơ chế thị trường hoạt động. Điều này có nghĩa các hãng máy bay phải hoạt động theo các quy luật thị trường và hành khách hàng không phải tự chịu trách nhiệm về việc lựa chọn dịch vụ của hãng máy bay nào theo giá vé mà họ thỏa thuận.
Việc tự do hóa thị trường vận chuyển hàng không thúc đẩy mức cạnh tranh nhiều hơn giữa các hãng máy bay, đa dạng hóa các dịch vụ hàng không và giảm mặt bằng giá vé máy bay nói chung trên bình diện rộng.
Cuối năm 2019 đã có nhiều ý kiến đề xuất bỏ giá trần vé máy bay, "cởi trói" chính sách hàng không. Vietnam Airlines cho rằng việc bỏ giá trần vé máy bay là một giải pháp quan trọng để tháo gỡ nút thắt chính sách và phát triển hàng không theo cơ chế thị trường, hội nhập tích cực với thế giới. Vietnam Airlines cho hay: "Thị trường hàng không Việt Nam đang thực sự mở cửa, có rất nhiều hãng hàng không mới ra đời kể cả thành phần Nhà nước và tư nhân, nhưng hiện có một trói buộc về mặt cơ chế đó là giá trần nội địa đang điều tiết".
Việc bỏ giá trần vé máy bay được cho là phù hợp trong bối cảnh hiện nay vì "thị trường đã tự điều tiết hãy để thị trường tự điều chỉnh cung - cầu, đó là hướng mà hàng không Việt Nam phải tích cực gia nhập với hàng không thế giới". Trần vé máy bay là "điểm nghẽn" khiến các hãng hàng không thu được lợi ích ngắn hạn của cao điểm thị trường, những giai đoạn cao điểm của thị trường cũng như đa dạng dải giá của mình để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng lựa chọn.
Cục Hàng không nêu căn nguyên: "Từ năm 2006 khi có Luật Hàng không dân dụng, Quốc hội đã quyết định phải có giá trần để duy trì lợi ích cho nhiều tầng lớp nhân dân được sử dụng dịch vụ đi lại bằng đường hàng không trong nước. Nhà nước phải điều tiết, không được cho giá vượt quá trần". Năm 2014 khi sửa Luật Hàng không, đề xuất bỏ giá trần vé máy bay không được Quốc hội thông qua vì lý do phải đảm bảo lợi ích của hành khách đi lại.
Trong thực tiễn của các hãng, trên một chuyến bay có cả vài trăm hành khách mà mỗi người có quyền chọn giá vé khác nhau từ thấp đến cao, như vậy quy định giá cao nhất không được vượt giá trần có thật sự bảo vệ lợi ích khách hàng hay không?
Bây giờ có nhiều hãng cạnh tranh với nhiều giá vé khác nhau thì nên bỏ giá trần vì thật ra, giá trần làm cho hành khách muốn trả giá vé cao hơn để được phục vụ tốt hơn nữa, nhưng giá trần đang làm mất đi cơ hội đó và làm thiệt hại cho loại hành khách hạng sang này.
Khung giá trần hiện nay của Bộ Giao thông Vận tải đang kìm hãm sự xuất hiện của những đường bay mới đến những nơi xa xôi mà số lượng hành khách không nhiều. Nếu không có giá trần thì có hãng máy bay mở tuyến đường bay mới với giá vé cao mà người mua bằng lòng chi trả và hãng máy bay không phải chịu lỗ - chỉ cần có một hãng thôi cũng tốt rồi, vì người địa phương đó có cơ hội đi lại bằng đường hàng không cho nhanh chóng, đặc biệt là lúc cần cấp cứu đi bệnh viện ở thành phố lớn.
Lợi ích hành khách được đảm bảo khi họ có thể lựa chọn giữa đi đường bộ tốn thời gian mà giá rẻ với đi đường hàng không nhanh chóng mà giá đắt. Khung giá trần làm thiệt hại lợi ích hành khách vì không có đường bay cho họ lựa chọn, ngay cả khi khẩn cấp cứu thương.
Vào tháng 8/2021 Cục Hàng không Việt Nam đề xuất Bộ Giao thông Vận tải áp sàn giá vé máy bay bằng 20% mức giá tối đa quy định.
Hàng không chi phí thấp (LCC) đang là xu thế chung của khu vực và thế giới. Chính các hãng bay giá rẻ trên thế giới đang có triển vọng hồi phục nhanh nhất và đóng góp thiết thực nhất cho khách bay, cho phục hồi ngành du lịch vì lợi thế giá vé thấp, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.
Cách đây khoảng 5 năm, Trung Quốc và Ấn Độ cũng đã bỏ giá sàn vé bay sau một thời gian ngắn áp dụng vì mất nhiều hơn được. Indonesia "kiên trì" thực hiện quy định giá tối thiểu đối với dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa nhưng đã và đang chứng kiến các hệ quả của việc triệt tiêu cạnh tranh trong lĩnh vực vận chuyển hàng không.
Indonesia với dân số trên 200 triệu người, diện tích tự nhiên rộng lớn và quy mô nền kinh tế đứng đầu Đông Nam Á nhưng thị trường hàng không bị chững lại, "nhường" lợi thế cạnh tranh cho các hãng trong khu vực và ngành du lịch bị sụt giảm vì giá vé bay kém cạnh tranh. Trước đó, Indonesia đã bị Trung tâm hàng không châu Á - Thái Bình Dương cảnh báo về cách làm ngược xu hướng của thế giới, giảm cạnh tranh của hãng hàng không và ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Việt Nam hiện có 6 hãng hàng không, có tính cạnh tranh khá cao nên nếu áp giá sàn sẽ làm ngành hàng không bị thụt lùi hàng thập kỷ về chính sách. Nhờ có Vietjet và gần đây là Bamboo Airways, hàng không đã trở nên phổ cập, ai cũng có thể được bay, khác hẳn mấy thập kỷ Vietnam Airlines độc quyền kinh doanh, khai thác.
Theo Cục hàng không, mục đích của việc triển khai giải pháp tình huống, quy định mức giá tối thiểu (giá sàn) là để thực hiện điều tiết giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa và nhằm hỗ trợ giảm bớt khó khăn, giảm nguy cơ dẫn đến phá sản của Vietnam Airlines trong giai đoạn khủng hoảng do tác động của dịch Covid-19. Chính sách này thoạt nghe thì có vẻ mang lại lợi ích cho tất cả hãng hàng không, vì giá vé tăng, các hãng đều có lợi. Tuy nhiên về bản chất thì đây là chính sách bảo hộ cho Vietnam Airlines, còn Vietjet và Bamboo Airways sẽ gặp bất lợi.
Nếu áp mức giá sàn ở mức khá cao như hiện nay thì sẽ triệt tiêu sự năng động của hãng, mất lợi thế quy mô và khách bay sẽ chọn mua vé của hãng có nhiều dịch vụ trọn gói như Vietnam Airlines hơn. Điều này tương tự việc lấy chi phí tối thiểu để định giá vé của khách sạn 5 sao để áp dụng chung cho khách sạn 3 sao.
Từ lâu, Vietnam Airlines đã được tạo lợi thế về phát triển đội tàu bay, slot bay, kể cả được ưu tiên chỉ định bay chở khách trong đại dịch và mới đây nhất là được vay gói 4.000 tỷ đồng lãi suất 0% trong 3 năm. Nay, nếu áp giá sàn cùng với các lợi thế nói trên thì sẽ khiến môi trường kinh doanh hàng không càng tệ hơn, làm triệt tiêu cạnh tranh sáng tạo và làm nản lòng nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Hàng không là động lực phát triển kinh tế đất nước. Các hãng hàng không là huyết mạch rộng nhất, nhanh nhất để Việt Nam hội nhập với thế giới, là thương hiệu, là hình ảnh của quốc gia. Giá sàn và sự phân biệt đối xử sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài mất niềm tin vào môi trường kinh doanh Việt Nam, thậm chí rút khỏi thị trường.
Nền kinh tế nước ta đang bị tổn thương sâu sắc, hàng chục triệu người bị mất việc làm, giảm thu nhập, mà khi đi lại bằng đường hàng không họ đã phải tốn thêm hàng loạt chi phí, trong đó có khoản 200.000 đồng xét nghiệm Covid-19. Việc áp giá sàn sẽ khiến bình quân giá vé bay tăng rất cao, là đòn chí tử đánh vào công nhân, nông dân, người thu nhập thấp và cản trở quá trình phục hồi nền kinh tế nước ta sau dịch.
Việt Nam đã hội nhập quốc tế sâu rộng, phải đảm bảo các điều kiện cạnh tranh quốc tế, đặc biệt Chính phủ đang dần từng bước mở lại các đường bay nội địa và quốc tế. Nhà nước không nên can thiệp vào giá vé hàng không. Bộ Giao thông Vận tải cần tạo lập môi trường kinh doanh hàng không công bằng, bình đẳng, lành mạnh để phát triển thay vì thiên vị, làm cho môi trường này méo mó, giảm sức cạnh tranh của hãng bay trong nước.
Khi có cạnh tranh giữa các hãng hàng không thì giá vé do thị trường quyết định, các hãng hàng không giá rẻ trên thế giới đều có vé giá rất thấp hoặc 0 đồng để khuyến mãi, cho nên Nhà nước không can thiệp vào thị trường bằng quy định giá sàn hay giá trần. Cục Hàng không cần bỏ quy định về giá trần đi và không nên quy định giá sàn.
Việc bỏ giá trần sẽ tạo điều kiện cho sự xuất hiện của những đường bay mới đến những nơi xa xôi mà số lượng hành khách không nhiều, chẳng hạn các sân bay Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Cao Bằng, Hà Giang…
Nếu không có giá trần thì các hãng máy bay có thể cân nhắc việc sử dụng máy bay nhỏ loại tua bin chong chóng 19 chỗ, cần đường cất hạ cánh chỉ 1.200 m để mở tuyến đường bay mới với giá vé cao hơn giá trần để có lãi, mà hành khách bằng lòng chi trả. Chỉ cần có một hãng thôi cũng tốt rồi vì hiện nay, có những sân bay ở tỉnh vùng xa xôi mà không có chuyến bay nào cả.
Trong khi đó, có những sân bay được xây dựng với dự kiến đón nhận những máy bay phản lực chở hàng trăm hành khách với giá vé dưới giá trần rồi không có chuyến bay nào hoặc rất ít, còn sân bay được đầu tư lố một cách lãng phí.
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống
13/06/2022